Suy niệm
CHÚA NHẬT - RƯỚC LÁ TRƯỚC LỄ
Chúa Nhật Lễ Lá cũng là Chúa Nhật Thương khó là ngày thứ 40 của Mùa Chay, kể từ Thứ Tư Lễ Tro, nhưng vẫn chưa phải là thời điểm kết thúc Mùa Chay như chúng ta thường nghĩ, mà là mới bắt đầu Tuần Thánh cũng là Tuần Thương Khó, trong đó bao gồm cả Tam Nhật Thánh hay Tam Nhật Vượt Qua, Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh, và Mùa Chay được kết thúc vào Lễ Vọng Phục Sinh đêm Thứ Bảy Tuần Thánh này, như Giáo Hội ấn định, nơi chi tiết được vị linh mục chủ sự nghi thức tuyên lại lời hứa rửa tội ngỏ cùng cộng đồng phụng vụ bấy giờ cho thấy: “Hôm nay là hết thời gian thanh luyện của Mùa Chay”.
Chúa Nhật Lễ Lá mở màn cho Tuần Thương Khó này bao gồm 2 biến cố hoàn toàn có tính cách khác nhau, đúng hơn hoàn toàn phản nghịch nhau: về chính bản thân Chúa Kitô thì Người đã đạt đến tột cùng vinh quang nhưng đồng thời cũng xuống tới tận cùng khổ nhục trước mặt trần gian, còn về phía chung dân chúng và môn đệ của Người thì vui thật là vui nhưng đồng thời cũng buồn thật là buồn, buồn đến hoảng sợ và hoảng loạn.
Trước hết, về khía cạnh vinh quang và vui mừng cho Chúa Nhật giao điểm này, được Giáo Hội cử hành trước Thánh Lễ, ở ngoài nhà thờ, với nghi thức làm phép lá và rước lá. Bài Phúc Âm cho nghi thức rước lá này, cả 3 chu kỳ A-B-C, đều thật sự cho thấy Chúa Kitô đã đạt đến tột cùng vinh quang của Người trước mặt trần gian khi Người tiến vào Thành Thánh Giêrusalem là giáo đô của Do Thái giáo.
Bài Phúc Âm của chu kỳ Năm C được Thánh ký Luca thuật lại rằng: "Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: 'Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời'".
Qua bài Phúc Âm này, chúng ta chẳng những thấy được tất cả lòng trọng kính, bái phục và tôn sùng của chung dân chúng cũng như môn đệ đoàn của Người, qua các việc họ "trải áo trên lối đi" và "hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa", những việc làmphải nói là chưa từng có cho bất cứ một ai (tiêu biểu và nổi tiếng nhất như tổ phụ Abraham, cứu tinh Moisen, tiên tri Elia, thánh vương Đavít, tiền hô Gioan v.v.) trong giòng lịch sử của dân Do Thái, mà còn thấy được cả cái bóng đen chập chờn bắt đầu xuất hiện, một chi tiết chỉ được một mình Thánh Luca thuật lại ở cuối bài Phúc Âm hôm nay:
"Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: 'Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi'. Chúa Giêsu nói: 'Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên'".
Hiện tượng tương phản này cũng đã được Thánh ký Gioan ghi nhận như thế này: "Những kẻ ở với Người chứng kiến thấy việc Người gọi Lazarô ra khỏi mồ và làm cho ông ấy sống lại từ cõi chết. Dân chúng họ đi đón Người, bởi họ nghe biết Người đã làm dấu lạ ấy. Những người biệt phái mới bảo nhau rằng: 'Các ông thấy không, các ông chẳng đi đến đâu rồi đó! Kìa, cả thế gian đã chạy theo hắn ta mất rồi!" (Gioan 12:17:19).
Trướcthái độ có vẻ ghen tương đầy thành kiến và ác cảm ấy của những người biệt phái, Chúa Giêsu đã nhắc khéo họ rằng: "nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên". Nghĩa là Người muốn nhắn nhủ họ rằng chỉ có ai tin tưởng vào Người mới có thể tỏ ra long trọng nghênh đón Người như thế mà thôi. Qua câu này Người cũng muốn nhắc nhở họ lời Người đã cảnh báo họ về lòng tin của họ trước kia, (trong bài Phúc Âm Thánh Gioan Thứ Ba Tuần V vừa rồi): "Tôi nói cho quí vị biết quí vị sẽ chết trong tội lỗi của các vị; quí vị sẽ chết trong tội lỗi của quí vị trừ phi quí vị tin vào Tôi" (Gioan 8:24).
Mà thật, đúng như những gì Người đã cảnh báo. Chính vì họ không tin mà họ đã thực sự chết trong tội lỗi của họ, khi họ càng trở nên mù quáng và điên cuồng lên án Người, vào chính lúc Người tỏ mình ra cho họ biết như họ nhân danh Thiên Chúa mà hỏi Người, và làm áp lực thẩm quyền đế quốc Roma để đóng đinh Người cho bằng được, dù vị tổng trấn Philatô này thấy Người vô tội và tìm cách tha Người. Chưa hết, trong cuộc khổ nạn và tử giá của Người, các môn đệ thân tín của Người cũng vì Người mà vấp phạm nữa. Không phải vì các vị không tin Người mà chính vì các vị tin rằng "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16).
Thật vậy, chính vì các vị tin rằng Vị Sư Phụ "đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14) của các vị chính là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" như thế mà các vị, qua lời can gián tiêu biểu của tông đồ Phêrô (xem Mathêu 16:22-23), đã cho thấy các vị không thể nào chấp nhận được sự kiện Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa vô cùng thiện hảo và toàn năng bị khổ nạn và tử giá như là một tên tử tội. Bởi thế, khi thấy Thày mình bị bắt và bị lên án tử các vị đã thật sự không thể nào không bị chao đảo đức tin!
Bài Phúc Âm trong Thánh Lễ hôm nay, dù theo chu kỳ A-B-C cũng đều thuật lại biến cố cứu độ vô cùng quan trọng này, một biến cố theo thời điểm xẩy ra vào Thứ Sáu trong tuần, nhưng lại là một biến cố cần phải long trọng cử hành vào Chúa Nhật cho mọi người môn đệ của Người được tham dự vào mầu nhiệm này. Đó là lý do Chúa Nhật Lễ Lá cũng là Chúa Nhật Thương Khó mở màn Tuần Thánh vậy.